DN thức ăn chăn nuôi: Gian nan giữ thị phần
Các doanh nghiệp (DN) nội phải chật vật để giữ thị phần nhưng những cố gắng cũng chỉ như muối bỏ bể.
Không chỉ bị thao túng bởi các công ty nước ngoài có nhà máy sản xuất tại Việt Nam mà giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam luôn cao hơn trong khu vực từ 15-20%, khiến giá thành sản phẩm luôn bị đội lên cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và nguyên liệu tính chung 5 tháng đầu năm 2013 đạt 1,15 tỷ USD, tăng 40,6 % so cùng kỳ năm trước. Không chủ động được nguồn nguyên liệu, cộng thêm các chi phí thuế nhập khẩu, vận chuyển, kho bãi… đã khiến giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam luôn cao hơn rất nhiều so với trong khu vực.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi - cho biết: Các DN đang rất khó khăn, nhiều DN vừa và nhỏ đã bị phá sản. Hiện cả nước có 234 DN thức ăn chăn nuôi, trong đó chỉ còn 194 cơ sở, DN đang hoạt động, có 40 nhà máy chủ yếu vốn trong nước đã ngừng sản xuất, hoặc chuyển hướng kinh doanh. Một thị trường giàu tiềm năng với tăng trưởng trung bình hàng năm từ 13-15% nhưng đang bị các DN có vốn đầu tư nước ngoài “thâu tóm”, ước tính chiếm khoảng 56% thị phần thức ăn chăn nuôi.
Việc khó cạnh tranh của DN thức ăn chăn nuôi nội không chỉ do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào cao, mà còn do vốn lưu động không nhiều, chính sách bán hàng ít linh hoạt như DN FDI. Nếu như các DN FDI chi rất nhiều “hoa hồng” cho đại lý, có cơ chế thưởng theo doanh số, cho nông dân mua chịu thức ăn… thì DN nội chỉ có thể chi một phần rất nhỏ nên không thể cạnh tranh được.
Ông Phạm Đức Bình - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) - bày tỏ: Ngành thức ăn chăn nuôi gia súc đang có vấn nạn là không phải bán cám cho heo mà cho người! Nhiều công ty hình thành bán hàng đa cấp, đầu năm bán cho đại lý một lượng hàng lớn, có thưởng cao; các đại lý cấp dưới lại được chia sẻ ưu đãi để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hậu quả là người nông dân phải mua thức ăn với giá cao.
Xoay xở trong thế khó
Không phải DN nội nào cũng có thể trụ vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường thức ăn chăn nuôi khi mà chỉ có 15 DN FDI và liên doanh nhưng đã sở hữu tới 44 nhà máy, sản xuất trên 7,15 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi. Một số tên tuổi DN nội như: Dabaco, Proconco, Hồng Hà, Cám VINA, Thanh Bình… đang gồng mình để giữ và mở rộng thị trường với sản lượng khoảng 3,13 triệu tấn/năm, chiếm 24% thị phần.
Mỗi DN có cách làm riêng nhưng mô hình liên kết ba bên như Công ty Thanh Bình đang làm cũng là một hình thức khá hiệu quả. Theo đó, người nông dân mua cám sẽ được công ty giới thiệu sang Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Đồng Nai để vay vốn với lãi suất thấp. Ngân hàng sẽ giải ngân từng đợt theo nhu cầu của người nông dân, DN bán hàng trực tiếp cho nông dân sẽ tiết giảm được 5% chi phí do không phải qua trung gian…
Những yếu tố này sẽ giúp giá thành sản phẩm hạ thấp hơn so với giá trên thị trường nên cả người chăn nuôi và DN đều không bị lỗ khi đầu tư. Hiện nay, giá thức ăn của công ty luôn thấp hơn của các DN nước ngoài từ 15-30%.
Đây chỉ là một trong không nhiều phương cách để DN có thể trụ vững trong sự cạnh tranh của thị trường. Về lâu dài thì các chính sách cho phát triển ngành thức ăn chăn nuôi mới là giải pháp hữu hiệu để ngành này ổn định và phát triển.
Nhiều DN kiến nghị nên bỏ mức thuế VAT 5% đối với thức ăn chăn nuôi vì người nông dân phải trực tiếp gánh chịu mức thuế này.